top of page
  • Laura Hauser

Thích ứng với khủng hoảng

Đã cập nhật: 10 thg 10, 2022

Tác giả: Laura Hauser, Tiến sĩ, MCC, MCEC


Các sự kiện xảy ra trong năm 2020 đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống và làm việc. Đại dịch toàn cầu COVID-19, sự bất công về chủng tộc, suy thoái kinh tế, thậm chí là sự kết hợp của cả ba đều góp phần làm thay đổi cuộc sống. Chúng ta là những cá thể khác nhau, và những thách thức mà chúng ta, hay khách hàng của chúng ta phải đối mặt là khác nhau.


Công việc và cuộc sống của chúng ta liên tục bị gián đoạn và thay đổi. Vậy phải làm thế nào để thích nghi với tư cách là một chuyên gia khai vấn? Trong thời kỳ khủng hoảng, điều cần thiết là các chuyên gia khai vấn mở rộng tư duy của họ để giúp khách hàng làm được điều tương tự, qua đó bản thân họ cũng tự tin hơn với khả năng điều hướng thành công những làn sóng gián đoạn này.


Bài viết này phân tích những phản hồi của các chuyên gia khai vấn và khách hàng trong khoảng thời gian đầu của COVID-19, chỉ ra những điều cần thiết cho các chuyên gia khai vấn để giúp họ mở rộng tư duy khai vấn, và đưa ra các câu hỏi cần cân nhắc khi hợp tác với khách hàng để tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến thế giới.


PHÂN TÍCH VỀ COVID-19

Đầu năm nay, nhiều khách hàng, sinh viên, đồng nghiệp của tôi và những người khác đã liên hệ tìm kiếm sự hỗ trợ để đối phó với tác động đột ngột sau khi bị đẩy vào môi trường làm việc ảo do COVID-19.


Chuyên gia khai vấn và các nhà lãnh đạo cũng vậy, họ cũng bị choáng bởi sự mất ổn định, bao gồm cả việc hủy bỏ các sự kiện lãnh đạo trực tiếp, các buổi họp phát triển nhóm, các cuộc họp và các công việc thực hiện tại chỗ. Hiển nhiên, lãnh đạo, nhóm, và các chuyên gia hỗ trợ họ đang cần được tham vấn hơn bao giờ hết.


Trong hơn 30 năm qua, tôi đã sống và học hỏi được rất nhiều điều qua vô số cuộc khủng hoảng cục bộ và toàn cầu ở Hoa Kỳ, ở Nam Mỹ, ở Liên Xô cũ và hơn thế nữa. Tôi đã rút ra được ba nguyên tắc quan trọng để thích nghi với cuộc sống trong những thời kỳ gián đoạn lớn.


1. Có trách nhiệm

Đây không phải là thời điểm để các chuyên gia khai vấn hoặc đội ngũ hỗ trợ các nhóm và nhà lãnh đạo trong tổ chức bỏ qua một bên, đặc biệt là khi các cuộc đối thoại liên quan đến các vấn đề như cảm xúc cá nhân và xã hội có thể khiến khách hàng thấy không thoải mái.

Điều này đặc biệt đúng trong những thời kỳ gián đoạn lớn như COVID-19, các phong trào công bằng xã hội hướng tới sự bình đẳng và hòa nhập, biến đổi khí hậu và môi trường, v.v.


2. Hỗ trợ lẫn nhau

Các nhà lãnh đạo và đội nhóm của họ đang rất cần được hướng dẫn và lắng nghe quan điểm từ chúng ta. Khi khủng hoảng diễn ra, trách nhiệm đầu tiên của một chuyên gia khai vấn đối với khách hàng là giúp họ phân tích vấn đề.


Trong cuộc trò chuyện gần đây, Lisa Dean - giám đốc nhân sự của Zurn Industries đã nói: “Khi Covid-19 diễn ra, California là nơi đầu tiên nhận được lệnh khóa cửa; chúng tôi phải hành động nhanh, chúng tôi thay đổi suy nghĩ để nhanh chóng thích ứng." Cô ấy bắt đầu có nhiều lựa chọn hơn khi cô ấy bắt đầu liên hệ với các công ty trong ngành và trong khu vực của mình: "Chúng tôi nhanh chóng học hỏi lẫn nhau, nhờ đó mà chúng tôi có thể hỗ trợ tốt nhất cho mọi người và khách hàng của mình .”


3. Chia sẻ rộng rãi

Nhìn chung, chúng tôi đã học được rất nhiều và chúng tôi cũng đã chia sẻ rất nhiều kể từ khi COVID-19 xuất hiện. Chúng tôi thậm chí còn viết một vài tập sách về kiến thức, các nguồn lực và tác động đến công việc cũng như cuộc sống gia đình, những thách thức về công nghệ và nhu cầu giải quyết một loạt các yêu cầu mới một cách nhanh chóng.

Ví dụ: Một blog gần đây của tôi trên Choice online đã được lấy cảm hứng từ một khách hàng công nghệ. Người này đã tạo ra một đội ngũ cố vấn đáng tin cậy và đầy đủ chuyên môn về khai vấn lãnh đạo quốc tế và khai vấn nhóm. Chúng tôi đã làm việc suốt ngày đêm để kịp thời đào tạo nguồn lực và đưa ra hướng dẫn về cách thực hiện phân tích trong thời gian khủng hoảng cho các Đối tác nhân sự - chiến lược kinh doanh (HRBP), Đối tác học tập & phát triển (LDBP), các chuyên gia khai vấn và nhà lãnh đạo. Các nguồn lực kịp thời này đã nhanh chóng được phân phối trong toàn tổ chức.


TƯ DUY

Trong thời buổi đại dịch, bất ổn xã hội và nhiều cuộc khủng hoảng lớn khác, chuyên gia khai vấn và khách hàng của họ phải đối mặt với những thách thức lớn hàng ngày.


Từ trước đến này, các chuyên gia khai vấn đã luôn được đào tạo để nhìn nhận khách hàng một cách toàn diện và linh hoạt. Điều này giúp chuyên gia khai vấn hình thành thói quen khai vấn đúng đắn, chẳng hạn như giúp khách hàng khám phá câu trả lời cho các câu hỏi của chính họ thay vì nói cho họ biết phải làm gì. Đó là một điểm xuất phát tốt, nhưng vẫn chưa đủ.


Chúng ta cần mở rộng tư duy của mình. Tư duy là tập hợp những góc nhìn và quan điểm đã ăn sâu bắt rễ của một người. Tư duy của chúng ta định hình cách chúng ta nhìn và sống trên thế giới.


Mở rộng tư duy chính là phương tiện giúp chúng ta phát triển triệt để khả năng khai vấn khách hàng trong thời kỳ khủng hoảng. Việc này cũng đòi hỏi chúng ta phải mở rộng kiến thức, kỹ năng và cả trái tim của mình.


Chúng ta có thể làm điều này bằng cách duy trì nhận thức và cởi mở hơn với ảnh hưởng từ bối cảnh và văn hóa đến bản thân và những người khác.


Đồng nghiệp của tôi, Nathalie Salles-Oliver, người đứng đầu chương trình khai vấn của Facebook, đã chia sẻ về quan điểm trái ngược của mình,“mọi thứ đều cần thay đổi, và không có gì cần thay đổi cả”. Thật vậy, đại dịch dường như đã thay đổi mọi thứ trong công việc và cuộc sống cá nhân của chúng ta chỉ sau một đêm. Các nhà lãnh đạo, chuyên gia khai vấn, và cả nhân viên buộc phải nhanh nhạy và rà soát lại những giả định.


Ngược lại, điều không thay đổi là những tác động tích cực của việc dựa vào tư duy khai vấn để nuôi dưỡng niềm tin và sự an toàn, lắng nghe sâu sắc, đặt câu hỏi về các giả định, gợi mở những hướng suy nghĩ mới, tạo điều kiện để hành động và phát triển.


Wally Kuhns, Giám đốc Bộ phận Nhân sự tại Dexcom là khách hàng và đồng nghiệp lâu năm của tôi. Anh ấy đã mô tả những thách thức/cơ hội như thế này: “COVID-19 đã gây rối loạn quy trình làm việc của chúng tôi, chúng tôi buộc phải nhanh chóng chuyển 90% nhân viên của mình sang hình thức làm việc tại nhà. Bù lại, cuộc khủng hoảng đã cho chúng tôi cơ hội để cân nhắc lại cách giải quyết tình trạng gián đoạn theo hướng có lợi hơn cho đường tăng trưởng của công ty.


Là chuyên gia khai vấn, chúng ta phải mở rộng tư duy để giúp khách hàng của mình tồn tại và phát triển trong một thế giới VUCA (đầy biến động, không chắc chắn, phức tạp, và mơ hồ).


CÁC CÂU HỎI CẦN CÂN NHẮC

- Làm thế nào để mở rộng tư duy để trở thành chuyên gia khai vấn giỏi hơn và tác động đến những thay đổi trong khủng hoảng? Bạn có thể dựa vào các cuộc đối thoại tương tự để giúp khách hàng của mình mở rộng tư duy để chuyển hướng sang những điều tích cực hơn trong một cuộc khủng hoảng hay không?


NHÓM KIẾN THỨC

Các chuyên gia khai vấn có hiệu quả làm việc cao liên tục mở rộng kiến thức của họ thông qua các hoạt động trao đổi học tập và phát triển. Họ tham gia thực hành liên tục và ngẫm nghĩ về những hoạt động đó để nâng cao khả năng khai vấn của mình.

Charles Shaw - Giám đốc đa dạng và hòa nhập toàn cầu tại Facebook khuyến nghị các chuyên gia khai vấn nên tự mình nghiên cứu để hiểu hơn về bối cảnh văn hóa, tình cảm, chính trị, xã hội, và lịch sử của mỗi khách hàng của họ.

Bằng cách mở rộng tư duy, các chuyên gia khai vấn sẽ được đặt vào vị thế tốt hơn để có thể tạo ra những cuộc trò chuyện sâu hơn với khách hàng và từ đó cũng góp phần làm thay đổi thế giới, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.


CÁC CÂU HỎI CẦN CÂN NHẮC

- Bạn có thể tự giáo dục bản thân để nhận thức rõ hơn về bối cảnh và văn hóa của khách hàng của bạn hay không?

- Làm thế nào để việc học hỏi, cùng phát triển cũng như chia sẻ rộng rãi kiến thức trong cộng đồng khai vấn của bạn một cách hiệu quả?


NHÓM KỸ NĂNG

Các tổ chức vẫn ổn định phát triển ngay cả khi đại dịch bùng phát là những tổ chức có thể nhanh chóng phát triển các kỹ năng con người gắn với trí tuệ cảm xúc, khả năng lãnh đạo linh hoạt và kỹ năng làm việc theo nhóm. Theo McKinsey and Co.: “Để vươn lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng COVID-19, các công ty nên bắt đầu đào tạo lại lực lượng lao động của họ ngay bây giờ.” Điều này đòi hỏi một tư duy nhanh nhạy.

Sự nhanh nhạy đang dần trở thành năng lực cốt lõi của Thế kỷ 21. Một cuộc khảo sát do Wiley Publishing thực hiện năm 2020 trên 2500 chuyên gia cho thấy 95% các nhà quản lý, giám đốc, và giám đốc điều hành cho rằng, so với năm năm trước, sự nhanh nhạy - khả năng thích ứng nhanh chóng và dễ dàng là rất quan trọng đối với sự thành công của tổ chức họ.

Nếu như các tổ chức cần các bộ kỹ năng mới để ứng phó tốt với thời kỳ gián đoạn thì các chuyên gia khai vấn cũng vậy.


CÁC CÂU HỎI CẦN CÂN NHẮC

- Những kỹ năng và công cụ nào bạn nên có trong bộ kỹ năng của bản thân để cải thiện khả năng khai vấn trong môi trường phức tạp và thiếu ổn định, cũng như ảnh hưởng tích cực đến việc thay đổi?

- Làm thế nào để xác định mức độ nhanh nhẹn và xây dựng kế hoạch cải thiện độ nhanh nhạy trong EQ của bản thân?


NHÓM CẢM XÚC

Nhiều chuyên gia khai vấn đã được đào tạo, cố vấn và giám sát kỹ năng lắng nghe sâu, không chỉ bằng cái đầu mà còn bằng trái tim, trong khi vẫn có thể duy trì trạng thái trung lập đối với khách hàng của họ.

Tuy nhiên, trong cuốn sách “Tương lai của ngành khai vấn” (The Future of Coaching), tác giả Hetty Einzig đã thách thức nguyên lý khai vấn trung lập này. Thay vì chỉ đơn giản là tuân theo chương trình làm việc của khách hàng, chuyên gia khai vấn nên coi bản thân là các đối tác đóng vai trò dẫn dắt các cuộc đối thoại với khách hàng về việc can đảm lãnh đạo.

Chuyên gia khai vấn đóng vai trò tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta giữ thái độ trung lập, chúng ta có thể vô tình duy trì hiện trạng, cản trở khả năng khám phá các khả năng mới và thực hiện các hành động tạo điều kiện thay đổi tích cực của khách hàng.

Qua việc mở rộng cảm xúc, các chuyên gia khai vấn có thể giúp khách hàng vượt qua những bất ổn, biến động, và cả những thời kỳ gián đoạn đang diễn ra ở cấp độ sâu hơn.


CÂU HỎI CẦN CÂN NHẮC

- Làm thế nào để thay đổi từ trung lập sang mạnh dạn đối thoại?

- Bạn có thể can đảm và sát cánh với nhau qua các giai đoạn gián đoạn hay không?


ĐIỀU CHỈNH LẠI MỌI THỨ

Những làn sóng gián đoạn mới vẫn còn ở phía trước, nó có thể là sự hồi sinh của COVID-19, có thể là sự suy giảm kinh tế, sự bất ổn dân sự, biến đổi khí hậu hay bất cứ cuộc khủng hoảng tồi tệ nào khác, và những gì chúng ta có thể dựa vào là:

- Các tổ chức đang cần được tham vấn hơn bao giờ hết.

- Chuyên gia khai vấn chỉ có thể giúp khách hàng của họ trưởng thành và phát triển khi chuyên gia khai vấn đã mở rộng tư duy, kỹ năng, kiến thức và cảm xúc của họ.

- Đây là công việc trọn đời và đồng thời cũng là công việc có thể thay đổi cuộc đời.

Mở rộng tư duy khai vấn của bạn trong thời kỳ bất ổn này là điều cần thiết. Nó đem lại sức mạnh cho chính bạn và cả khách hàng của bạn để thành công điều hướng những làn sóng gián đoạn đang cuộn trào.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. International Coaching Federation. (2020, June 12). Core competencies: coachfederation.org/core-competencies

2. McKinsey and Company. (2020, May). "To emerge strong from the COVID-19 crisis, companies should start reskilling their workforces now." mckinsey.com/business-functions/organization/our-insights/to-emerge-stronger-from-the-covid-19-crisis-companies-should start-reskilling-their-workforces-now


1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page